HomeSuy NiệmSÁM HỐI MÙA CHAY

SÁM HỐI MÙA CHAY

“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15)

Phụng vụ Mùa chay nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc Sám hối và Canh tân đời sống thiêng liêng của mình. Đây là mùa thuận tiện để chúng ta suy niệm và xem xét nội tâm của mình dưới ánh sáng Tin Mừng và đức tin của người Kitô hữu. Một trong những khía cạnh quan trọng của Hành trình Mùa chay là thực hành việc Ăn năn Sám hối, nghĩa là chúng ta nhận ra những thiếu sót bất toàn của chính mình, đồng thời tìm kiếm sự tha thứ của Thiên Chúa và đổi mới bản thân.

Như câu chuyện về ông Gióp trong Kinh Thánh, sau khi trải qua hàng loạt thử thách và đau khổ, kể cả việc mất gia đình, của cải và sức khỏe, ông Gióp đã nghi ngờ về sự công bằng và chính trực của Thiên Chúa. Trong lúc đối thoại với bạn bè, ông Gióp luôn thanh minh và biện hộ cho mình, trong những cao trào của câu chuyện, ông thậm chí tỏ ra kiêu ngạo và thiếu khiêm nhường: ông muốn đối đáp và chất vấn Thiên Chúa về những đau khổ mà ông phải gánh chịu. Ông đã mò mẫm trong đêm tối đức tin của mình và nhờ ơn Chúa trợ giúp, ông đã hiểu được ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ. Ông đã thốt lên: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến. Vì thế, điều đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (G 42,5-6). Đứng trước sự khôn ngoan và quan phòng của Thiên Chúa qua công trình sáng tạo, Gióp nhận ra sự tầm thường và không xứng đáng của chính mình, và ông ăn năn sám hối vì trước đó đã nghi ngờ về đường lối của Thiên Chúa.

Câu chuyện về ông Gióp chứng tỏ rằng, sám hối và canh tân đời sống là những bước đi quan trọng trên con đường nên thánh của mỗi người chúng ta. Đó cũng là thông điệp mà Chúa Giêsu muốn truyền tải qua dụ ngôn về Người cha nhân hậu và đứa con hoang đàng trong Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 15,11-32), trong đó người con thứ đã ăn năn và sám hối về hành vi và tội lỗi của mình khi quyết tâm trở về nhà với lòng thống hối. Câu chuyện này nhấn mạnh đến sức mạnh biến đổi của việc sám hối, đồng thời thể hiện tình yêu và sự tha thứ vô điều kiện của Thiên Chúa.

Thật vậy, Thánh Phaolô kêu gọi chúng ta: “Anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em” (Cv 3, 19). Trong Thông điệp Mùa Chay năm 2023 này, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh: “Sám hối Mùa Chay là một quyết tâm, được thể hiện nhờ ân sủng, để vượt thắng sự yếu hèn của đức tin và thái độ chống đối của chúng ta khi bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá.” [1] Cả Thánh Phaolô và Đức Thánh Cha Phanxicô đều nhắc nhở chúng ta về yếu tố nền tảng của việc sám hối trong hành trình đức tin của mình. Chúng ta cần phải nhận ra những sai lầm và thiếu sót của bản thân, quyết tâm sám hối và sửa đổi, để được Thiện Chúa thứ tha.

Đúng như lời của Thánh Augustinô, “Sám hối là liều thuốc chữa lành mọi vết thương tội lỗi.” [2] Chúng ta hãy trở về với Thiên Chúa thông qua Bí tích Hòa giải, để được Chúa chữa lành mọi đau khổ do tội lỗi gây nên và giúp chúng ta giao hoà với Thiên Chúa và tha nhân. Nhờ đó, chúng ta có thể tìm lại được niềm vui và sự bình an trong đời sống, mặc dù điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không phải đối mặt với những thử thách và khó khăn nữa. Tuy nhiên, nhờ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa ban tặng qua Bí tích Hòa giải, chúng ta đón nhận sức mạnh từ Người để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin tuôn đổ ân sủng của Thiên Chúa trên chúng con trong Mùa chay này, để chúng con có thể nhận ra và sửa chữa những sai lầm và thiếu sót của mình. Xin cho chúng con được đắm mình trong tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, và có thể sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, đầy lòng trắc ẩn và hăng say phục vụ. Xin cho chúng con cảm nhận được sự tha thứ và tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, và luôn cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của chúng con. Chúng con cầu xin nhờ danh Chúa Giêsu Kitô, Đấng là sự sống và hy vọng của chúng con. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Danh, MSA

Chú thích:

[1] Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2023: “Lenten penance is a commitment, sustained by grace, to overcoming our lack of faith and our resistance to following Jesus on the way of the cross.” https://press.vatican.va/…/pubb…/2023/02/17/230217c.html

[2] Thánh Augustinô, Bài giảng 191, 2.

Mới Nhất

spot_img